-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
3 Công viên Địa chất Toàn cầu ở Việt Nam được Unesco vinh danh
Tại Việt Nam, UNESCO đã vinh danh 3 công viên địa chất toàn cầu, đó là: công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang (năm 2010); công viên đa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng (năm 2018) và công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông (năm 2020).
Những công viên địa chất toàn cầu nói trên tại Việt Nam đang ngày càng phát huy giá trị tự nhiên và cả giá trị xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa chất trong tương lai - loại hình du lịch bền vững, mang tính giáo dục và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.
1. Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn
Được UNESCO công nhận ngày 3/10/2010, Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở vùng núi cực Bắc của Việt Nam, có diện tích 2.356,8km² và độ cao trung bình khoảng 1.400-1.600m và có tới 118 di sản địa chất. Cao nguyên đá có nhiều khu vực núi đá vôi nằm sát chí tuyến Bắc, có độ dốc khá lớn, các thung lũng, sông, suối bị chia cắt rất nhiều, là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ trái đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa.
2. Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng
Được UNESCO công nhận ngày 12/4/2018, Công viên Non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.275km2 nằm tại vùng đất địa đầu của Việt Nam thuộc tỉnh Cao Bằng, có tới 90 di sản địa chất. Đây là nơi sinh sống của hơn 250.000 người thuộc 9 dân tộc của Việt Nam như Tày, Nùng, H'Mông, Kinh, Dao, Sán Chay. Ngoài ra, đây cũng là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt là rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích Pác Bó và Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950. Nơi đây là một trong những khu vực ở Việt Nam được người tiền sử chiếm cư từ rất sớm, cố đô của một số triều đại phong kiến và đặc biệt là cái nôi của Cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
3. Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông
Được UNESCO công nhận ngày 7/7/2020, Công viên Địa chất toàn Đắk Nông có diện tích 4.760 km², trải dài trên địa bàn 5 huyện: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông. Công viên có tới 150 di sản địa chất, khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước...
Công viên Địa chất Đắk Nông từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử. Dung nham từ các đợt phun trào của núi lửa đã bao phủ đến một nửa diện tích của vùng đất này, hình thành nên vùng đất đỏ bazan rộng lớn trù phú, màu mỡ. Cho đến cách đây 10.000 năm, núi lửa vẫn còn hoạt động ở khu vực này, tạo nên hệ thống hang động núi lửa độc đáo, đồ sộ nhất Đông Nam Á. Đặc biệt, nhiều dấu tích cư trú của người tiền sử có niên đại hàng chục nghìn năm đã được tìm thấy trong các hang động này.
Tổng hợp