-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Phát triển du lịch nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP
Du lịch nông thôn là không gian để phát triển, tiêu thụ sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Và ngược lại, sản phẩm OCOP cũng chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn. OCOP tạo nên thương hiệu du lịch sẽ giúp cho cho mỗi vùng nông thôn có nét đặc trưng, thu hút riêng với khách du lịch.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, sẽ sớm có tài liệu tập huấn cho các địa phương về phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP.
Đây là ý kiến được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đưa ra tại Diễn đàn "Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP" do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 22/9.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, sau 5 năm triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (Chương trình OCOP), đến nay cả nước có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.361 chủ thể (51 sản phẩm 5 sao).
Ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương nhìn nhận, các sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn là không gian để phát triển sản phẩm OCOP.
"Dù khối lượng không nhiều để có thể xuất khẩu lượng lớn, nhưng sản phẩm OCOP lại mang giá trị vật chất và tinh thần cao. Cách "xuất khẩu" giá trị nhất của sản vật văn hóa OCOP là khi các sản phẩm này được du khách quốc tế ưa chuộng và mang về nước", ông Đình Anh nói.
Gắn kết các sản phẩm theo hướng nhân văn, sinh thái
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Nam Miền Trung Group cho rằng, ở giai đoạn mới, thương hiệu OCOP được khẳng định với những sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, Chương trình cần phát huy giá trị kết nối, giá trị thị trường để thông qua thương hiệu OCOP có thể giúp kết nối giao thương, kết nối giá trị dịch vụ, văn hóa, du lịch.
Ngoài ra, cần quy hoạch vùng miền, các địa điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương để thúc đẩy mua bán các sản phẩm OCOP vùng, góp phần đưa sản phẩm OCOP ra thị trường mạnh mẽ hơn.
"Việc đưa Chương trình OCOP thành thương hiệu mang tầm quốc gia có giá trị to lớn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong giai đoạn tới Ban Chỉ đạo OCOP cần xác lập thêm tiêu chuẩn, tiêu chí để bảo đảm giá trị sản phẩm, tránh cho sản phẩm OCOP bị lạm dụng, mai một, không thể phát huy giá trị tối đa", ông Nguyễn Hoàng Anh kiến nghị.
Bà Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết có nhiều loại hình du lịch nông thôn như: Du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề… Những loại hình du lịch này ở nông thôn sẽ rất ý nghĩa, không chỉ giúp phát triển kinh tế nông thôn mà còn tạo sự gắn kết và tự hào về một miền quê tươi đẹp, để du khách có cảm nhận qua những sản phẩm du lịch.
Chỉ ra sự cần thiết trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, bà Ngô Thị Thu Trang khẳng định nếu không có các hoạt động tạo thu nhập ở vùng nông thôn thì các dòng di dân từ nông thôn lên đê thị càng mạnh mẽ. Khi du lịch nông thôn phát triển sẽ có thêm việc làm cho thanh niên, có thêm không gian để họ có những ý tưởng sáng tạo hay có thể tận dụng chính những cảnh sắc làng quê thanh bình, những nét văn hoá đa dạng, những sản phẩm nông nghiệp phong phú để đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp-nông thôn.
Bà Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM chia sẻ, nông nghiệp không còn đơn thuần là trồng con gì, nuôi con gì mà cần định hướng tạo ra những giá trị mới, phù hợp với xu thế mới.
Một trong số đó, theo bà Lan là phát triển du lịch nông nghiệp. Bởi đây là giải pháp bền vững, giúp người nông dân tăng thêm thu nhập trên chính mảnh ruộng của mình, đồng thời gắn thêm tiêu thụ nông đặc sản, nhất là nhóm sản phẩm OCOP.
"Gắn du lịch với phát triển nông nghiệp là điều không mới, nhưng chúng ta cần làm thế nào để du lịch trở nên nhân văn, xanh và sinh thái hơn", bà Lan nhìn nhận.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Khải Hoàn chia sẻ: "Từ khi tiếp nhận Chương trình OCOP và nhận danh hiệu 5 sao, nước mắm Khải Hoàn đã trở thành đại diện của cộng đồng dân cư Phú Quốc, góp phần giữ gìn truyền thống địa phương".
Ông Dương Minh Bình, Giám đốc Công ty CBT Travel nhìn nhận hiện nay du lịch cộng đồng phát triển khá mạnh ở Việt Nam. Đây là loại hình giúp người dân phát triển sinh kế, bảo tồn văn hóa. Thông qua du lịch cộng đồng, người dân được tạo công ăn việc làm, đồng thời từng bước nâng cao ý thức khôi phục môi trường sống, bản sắc dân tộc, giúp hình thành điểm khác biệt để thu hút và giới thiệu đến khách du lịch..
Tuy nhiên theo ông Bình, du lịch nông thôn không có nghĩa là yêu cầu khách sống 100% như ở quê, mọi tiện ích đều cần được đáp ứng nhưng phải hài hòa với không gian đồng quê. "Thậm chí chúng tôi đã mời những đầu bếp ở khách sạn 5 sao về địa phương để dùng sản vật ở đó tạo ra những món ăn vừa mang tính bản địa vừa phải hợp khẩu vị nhiều người. Chỉ khi kéo được khách đến trải nghiệm thì những đặc sản như OCOP mới được quan tâm, trân trọng và được khách đón nhận", ông Bình nói.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đưa ra những tín hiệu đáng mừng như: Việt Nam hiện có hơn 10 nghìn sản phẩm OCOP, các trung tâm OCOP đang hình thành, nhiều doanh nghiệp chú trọng liên kết với các địa phương trong tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN&PTNT xác định phát triển sản phẩm OCOP Việt Nam cần 3 yếu tố:
Thứ nhất, phát huy thế mạnh địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Thứ hai, liên kết để khắc phục tính nhỏ lẻ, hình thành vùng sản xuất có sự kết nối giữa các hộ, các cơ sở để có "sức mạnh" ứng phó với áp lực cơ chế thị trường.
Thứ ba, phải đảm bảo được chất lượng của sản phẩm, "đánh mất thương hiệu là đánh mất tất cả".
Trong 5 năm vừa qua, Bộ NN&PTNN tập trung phát triển OCOP trong nước, phát triển số lượng, củng cố chất lượng. Hiện Bộ đang định hướng đưa sản phẩm OCOP ra nước ngoài, kết nối thông qua các đại sứ quán để tổ chức hội chợ OCOP tại châu Âu.
Để phát triển hơn nữa chất lượng các sản phẩm OCOP, Thứ trưởng đề nghị nên có các tổ kiểm tra định kỳ các sản phẩm OCOP, không để trường hợp 1 lần công nhận có hiệu lực 10 năm.
Về phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, sẽ sớm có tài liệu tập huấn cho các địa phương về phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP. Đồng thời giao Văn phòng điều phối Nông thôn mới làm việc với Trường Đại học KHXH&NV TPHCM thành lập trung tâm tập huấn phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn.
Theo baochinhphu.vn